Các phiên bản Martin B-26 Marauder

  • B-26: Kiểu B-26 được sản xuất hằng loạt đầu tiên, được đặt hàng chỉ dựa trên thiết kế. Bay thử nghiệm được thực hiện trên vài chiếc khoảng ba tháng sau khi được giao. Vũ khí trang bị bao gồm hai súng máy 7,62 mm (0,30 in) và hai súng máy 12,7 mm (0,50 in); các kiểu sau này được trang bị hỏa lực mạnh hơn gấp ba lần. Vì có cánh tương đối nhỏ, B-26 khó điều khiển khi hạ cánh. Chi phí máy bay ước lượng: 80.226,80 Đô la mỗi chiếc. 201 chiếc được chế tạo.
  • B-26A: Tích hợp các thay đổi thực hiện trên dây chuyền lắp ráp cho kiểu B-26, bao gồm nâng cấp hai súng máy 7,62 mm (0,30 in) trước mũi và đuôi lên cỡ nòng 12,7 mm (0,50 in). Có 52 chiếc B-26A được gửi sang Anh Quốc, được sử dụng dưới tên Marauder Mk I. Chi phí máy bay ước lượng: 102.659,33 Đô la mỗi chiếc.
  • B-26B: Một phiên bản B-26A với những cải tiến khác. Có 19 chiếc được gửi sang Anh Quốc, được sử dụng dưới tên Marauder Mk IA. Chi tiết các khối sản xuất của 1.883 chiếc được chế tạo như sau:
    • AT-23A hoặc TB-26B: 208 chiếc B-26B được cải tiến thành máy bay kéo mục tiêu giả và huấn luyện xạ thủ, được Hải quân đặt tên là JM-1.
    • B-26B: Khẩu súng đơn phía đuôi được thay bằng súng kép; bổ sung thêm khẩu súng bắn qua "đường hầm" dưới bụng. 81 chiếc được chế tạo.
    • B-26B-1: B-26B được cải tiến. 225 chiếc được chế tạo.
    • B-26B-2: Thay động cơ kiểu Pratt & Whitney R-2800-39 bằng kiểu Pratt & Whitney R-2800-41. 96 chiếc được chế tạo.
    • B-26B-3: Cửa hút gió của bộ chế hòa khí lớn hơn; nâng cấp lên kiểu động cơ R-2800-43. 28 chiếc được chế tạo.
    • B-26B-4: B-26B-3 được cải tiến. 211 chiếc được chế tạo.
    • B-26B-10 đến B-26B-55: Bắt đầu từ khối 10, sải cánh được kéo dài từ 19,8 m (65 ft) lên 21,6 m (71 ft), để cải thiện các vấn đề về điều khiển khi hạ cánh do áp lực cánh cao; các cánh nắp được thêm lên cánh phía ngoài của động cơ cũng để giải quyết vấn đề này. Cánh đuôi đứng được nâng cao từ 6 m (19 ft 10 in) lên 6,6 m (21 ft 6 in). Vũ khí được bổ sung từ sáu lên mười hai khẩu súng máy 12,7 mm (0,50 in) ở phía trước để chiếc máy bay có thể thực hiện các phi vụ càn quét bắn phá mặt đất. Khẩu súng đuôi được nâng cấp để điều khiển bằng điện. Vỏ giáp cũng được bổ sung để bảo vệ phi công và phi công phụ. 1242 chiếc được chế tạo.
    • CB-26B: Chỉ có 12 chiếc B-26B được chuyển đổi thành máy bay vận tải. Tất cả được giao cho Thủy quân Lục chiến để sử dụng tại Philippines.
  • B-26C: B-26C là tên đặt cho những máy bay B-26B được sản xuất tại Omaha, Nebraska thay vì tại Baltimore, Maryland. 123 chiếc B-26C được Không quân Hoàng gia Anh sử dụng dưới tên gọi Marauder Mk II. Chi phí mỗi máy bay khoảng: 138.551,27 Đô la Mỹ. 1.210 chiếc được chế tạo.
    • TB-26C: Tên ban đầu là AT-23B. Phiên bản huấn luyện của B-26C. Trên 300 chiếc được chế tạo.
  • XB-26D: Một chiếc B-26 cải tiến dùng để thử nghiệm hệ thống chống đóng băng bằng hơi nóng, trong đó các bộ trao đổi nhiệt lấy hơi nóng từ khí xả động cơ đến mép trước và sau của cánh cũng như các bề mặt điều khiển. Cho dù có triển vọng, hệ thống này đã không được tích hợp vào bất kỳ máy bay nào sản xuất trong Thế Chiến II. Một chiếc được cải tiến.
  • B-26E: Một chiếc B-26 cải tiến dùng để thử nghiệm hiệu quả việc đổi vị trí tháp súng máy lưng từ giữa thân đến ngay sau buồng lái. Các khả năng tấn công và phhòng thủ của chiếc B-26E được thử nghiệm trong tình huống mô phỏng chiến đấu so với máy bay thông thường. Cho dù kiểu sắp xếp mới có hiệu quả tốt hơn, nhưng không đáng kể. Sau khi phân tích chi phí, đã đưa đến kết luận là các công việc cần thiết để cải tạo dây chuyền sản xuất qua phiên bản B-26E không xứng đáng để thực hiện. Một chiếc được cải tiến.
  • B-26F: Góc tấn của cánh được tăng thêm 3,5°; các khẩu súng máy 12,7 mm (0,50 in) cố định trước mũi được tháo bỏ; tháp súng đuôi và vỏ giáp được tăng cường. Chiếc B-26F được sản xuất vào tháng 2 năm 1944. Một trăm chiếc kiểu này mang tên B-26F-1-MA. Bắt đầu từ số hiệu 42-96231, một bộ làm mát dầu động cơ cải tiến được bổ sung, cùng với các tấm mặt dưới cánh được thiết kế lại để dễ tháo được. Hai trăm chiếc được đặt tên B-26F-2 và F-6, tất cả đều được Không quân Hoàng gia Anh sử dụng dưới tên gọi Marauder Mk III. Những chiếc Marauder III mang số hiệu của Không quân Hoàng gia từ HD402 đến HD601 (số hiệu cũ của Không lực Mỹ là từ 42-96329 đến 96528). Kiểu F-2 có tháp súng điều khiển bằng điện Bell M-6 được thay thế bằng loại M-6A với nắp vải che phủ co giãn trên các khẩu súng. Bộ ngắm ném bom T-1 được trang bị thay cho loại M. Kíp nổ và thiết bị liên lạc radio kiểu Anh được cung cấp. 300 chiếc được chế tạo.
  • B-26G: Phiên bản B-26F với các thiết bị bên trong được chuẩn hóa. Có 150 máy bay được Không quân Hoàng gia Anh sử dụng dưới tên gọi Marauder Mk III. 893 chiếc được chế tạo.
    • TB-26G: Phiên bản B-26G được cải biến để huấn luyện đội bay. Hầu hết hay tất cả được giao cho Hải quân Hoa Kỳ dưới tên gọi JM-2. 57 chiếc được chế tạo.
  • XB-26H: Máy bay thử nghiệm cho kiểu càng đáp kiểu trước sau, để xem có thể áp dụng cho chiếc máy bay Martin XB-48 hay không. Một chiếc được cải tiến.
  • JM-1P: Một số ít máy bay JM-1 được chuyển đổi sang máy bay trinh sát hình ảnh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Martin B-26 Marauder http://www.csd.uwo.ca/~pettypi/elevon/baugher_us/b... http://www.americanwarriorsfivepresidents.com http://www.b26.com/ http://www.b26.com/page/historical_marauder_firsts... http://www.b26marauder.com http://www.fantasyofflight.com/aircraftpages/b26.h... http://www.warbirdalley.com/b26.htm http://www.hq.nasa.gov/pao/History/SP-468/cover.ht... http://afhra.maxwell.af.mil/photo_galleries/merhar... http://www.wpafb.af.mil/museum/fta/fta0898.htm